Nhiều điểm mới trong dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hoá

Tác giả

Phạm Văn Trí

Ngày đăng

26-05-2025 04:57

Lượt xem

10

Yêu thích

Theo dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp, một trong số những điểm đáng chú ý nhất là việc tách bạch, làm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và không ưu đãi.

Cụ thể, quy tắc xuất xứ ưu đãi được sử dụng để xác định xuất xứ hàng hóa nhằm hưởng ưu đãi thuế quan trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, GSP hoặc các ưu đãi đơn phương khác.

Ảnh: minh họa (Nguồn: sưu tầm)

Trong khi đó, quy tắc xuất xứ không ưu đãi được sử dụng để xác định xuất xứ hàng hóa với các mục đích khác nhau như đối xử tối huệ quốc, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ… Trên cơ sở tham khảo các quy định tại một số FTA thế hệ mới như CPTPP, VIFTA, EVFTA để hoàn thiện bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi.

Trong số các thay đổi đáng chú ý, có hai nội dung tiêu biểu. Trước hết là quy định về xuất xứ đối với “bộ hàng hóa”. Theo đó, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ khi tất cả các hàng hóa thành phần của bộ hàng hóa có xuất xứ. Trường hợp bộ hàng hóa bao gồm hàng hóa có xuất xứ và hàng hóa không có xuất xứ, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu trị giá của hàng hóa không có xuất xứ không vượt quá 15% trị giá của bộ hàng hóa đó.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định, hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được coi là có xuất xứ trong trường hợp chia tách thực tế từng hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau. Áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được thừa nhận trong các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi nếu hàng hóa hoặc nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được trộn lẫn, với điều kiện nguyên tắc kế toán về quản lý kho được lựa chọn sử dụng phải áp dụng trong suốt năm tài khóa đó.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến hình thức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng được mở rộng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp nay được phép đề nghị cấp hai C/O cho cùng một lô hàng. Ngoài ra, quy định mới cũng cho phép cấp C/O cho hàng hóa được gửi tại kho CFS. Đây là khu vực kho, bãi nằm dưới sự kiểm tra, giám sát hải quan, tương tự kho ngoại quan, vì vậy, Bộ Công Thương bổ sung quy định về việc cấp C/O cho hàng hóa gửi kho CFS để phù hợp với thực tiễn thương mại hiện nay.

Bên cạnh đó, là việc Bộ Công Thương đề xuất mở rộng quy định đối với hiệu lực của C/O cấp sau do hiệu lực này tùy thuộc vào quy định của nước nhập khẩu (trừ trường hợp được quy định tại các Điều ước quốc tế) thay vì hiệu lực không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng như tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Đáng chú ý, quy định cũng bổ sung cơ chế cấp lại C/O trong các tình huống thực tế như mất mát chứng từ, sai sót kỹ thuật, hoặc khi doanh nghiệp thực hiện tái xuất, tái nhập hàng hóa. Việc này giúp doanh nghiệp tránh được những thiệt hại không đáng có trong hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, góp phần bảo vệ uy tín thương mại của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ảnh: mẫu CO Form E (Nguồn: sưu tầm)

Dự thảo nghị định cũng đề cập đến nguyên liệu trung gian trong sản xuất xuất khẩu, được coi là một điểm nghẽn lâu nay. Theo quy định hiện nay tại một số FTA (trừ Hiệp định CPTPP, RCEP), nguyên liệu trung gian sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng xuất khẩu được xem là có xuất xứ trong trường hợp nguyên liệu đó đáp ứng quy tắc xuất xứ, được thu mua trong nước, được sản xuất bởi nhà sản xuất khác với nhà sản xuất hàng hóa cuối cùng.

Một thay đổi lớn khác trong dự thảo lần 2 của Nghị định là nội dung phân cấp, ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP bổ sung nội dung điều khoản về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp và quy định việc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức khác thực hiện cấp C/O và nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cấp C/O.

Như vậy, ngoài Bộ Công Thương, việc phân cấp, ủy quyền cấp C/O dự kiến được mở rộng đến UBND cấp tỉnh khi đáp ứng điều kiện cấp C/O của Bộ Công Thương và được quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.